Monday, April 28, 2008

30 Thang Tu Nam Ay

Ngày 30 Tháng Tư Năm Ấy


Sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi cùng ông Sĩ Quan Phụ Tá Đặc Biệt Quận và ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát xã quận lỵ đến quan sát điểm chạm súng giữa một trung đội Địa Phương Quân phục kích đêm và toán tiền sát của một đơn vị Việt Cộng địa phương xảy ra hồi giữa khuya. Việt Cộng bỏ lại hai xác chết, nhiều tên bị thương được mang đi. Một người đàn bà trung niên từ trong vùng Việt Cộng tạm chiếm ra gặp chính quyền xã sở tại xin nhận xác về chôn cất. Yêu cầu của bà chuyên viên nhận xác nầy dĩ nhiên là được chấp thuận. Điểm chạm súng cách Dinh Quận và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận ( BCH. CSQG. Quận ) khoảng hơn một cây số, xảy ra đúng như tin tức tình báo Ngành Đặc Biệt Quận ghi nhận từ trưa ngày 29 tháng Tư. Tin Việt Cộng có mưu đồ tấn công vào quận đêm 29 rạng 30 tháng Tư đã được chúng tôi khẩn báo cho ông Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng, và ông đã cấp tốc cho thay đổi các tuyến, điểm phòng thủ, phục kích đêm, kể cả việc hoán đổi nhân sự của các đơn vị phòng thủ cố định để phòng ngừa nội tuyến tiếp ứng cho khoảng hơn một tiểu đoàn Việt Cộng từ ngoài đánh vào.

Khi chúng tôi từ điểm chạm súng đang trên đường trở về BCH. CSQG. Quận, thì một nhân viên cảnh sát hơ hải đến gặp và cho chúng tôi hay đài phát thanh Sài Gòn vừa phát lệnh ngừng bắn của Tân Tổng Thống Dương Văn Minh. Ông Minh nhậm chức chiều tối 28 tháng Tư, thì mờ sáng hôm sau, hàng ngàn phụ nữ từ trong vùng Việt Cộng tạm chiếm đổ dồn về quận lỵ đòi hòa hợp hòa giải, chấm dứt chiến tranh, chấm dứt hành quân, chấm dứt bắn pháo binh, chấm dứt việc phi cơ xạ kích, thả bom, phải ngay lập tức thả tù chính trị v.v…Cơ Quan Chính Quyền Quận phải huy động một đại đội Địa Phương Quân, cùng với Cảnh Sát Sắc Phục, và một trung đội Cảnh Sát Dã Chiến ra ngăn chận từ ven quận lỵ, không thể để cho đám đông với sự điều động của cán bộ Cộng Sản nầy tiến vào phố chợ gây xáo trộn, bất ổn cho sinh hoạt của dân chúng. Vì Tổng Thống Dương Văn Minh có chủ trương hòa hợp hòa giải nên ông Quận Trưởng cũng dễ dàng nói chuyện với đám đông do Việt Cộng tổ chức biểu tình nầy, ông hứa những yêu cầu của họ sẽ được đạo đạt lên cấp trên và yêu cầu ai về nhà nấy, không nên gây xáo trộn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, cuộc biểu tình được giải tán trong ôn hòa, một số phụ nữ trong đám biểu tình còn xin phép được vào chợ để mua sắm.

Sau khi nhận được lệnh ngừng bắn từ đài phát thanh Sài Gòn, các đơn vị ở cấp Quận, Chi Khu của chúng tôi thật bối rối vì không có lệnh lạc rõ ràng từ cấp Tỉnh hoặc Tiểu Khu. Ông Quận Trưởng gọi qua BCH. CSQG Quận hỏi tôi có được lệnh gì của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh không. Tôi liên lạc về BCH. CSQG Tỉnh, được Sĩ Quan trực
hôm đó là một vị Đại Úy khóa 3 Biên Tập Viên, cựu Đại Đội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến, hiện là Chủ Sự Phòng Hành Quân, vốn là xếp cũ của tôi, cho biết Chỉ Huy Trưởng Tỉnh đã về Sài Gòn từ mấy ngày trước, Chỉ Huy Phó thì từ hồi tối hôm qua đến giờ không có mặt tại Bộ Chỉ Huy. Vị Sĩ Quan trực dặn tôi cứ theo thông lệ là Cơ Quan Chính Quyền Quận làm thế nào thì CSQG làm theo thế ấy. Tôi dặn vị Trưởng Ban Hành Quân phổ biến lệnh ứng chiến 100% tại đơn vị đến các Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia trong quận và đích thân ghi lệnh nầy lên một tờ giấy giao cho một nhân viên mang đến G. Đặc Biệt Quận, trung đội Cảnh Sát Dã Chiến, Cuộc Cảnh Sát xã quận lỵ, và một Cuộc Cảnh Sát hiện đang trong tình trạng lưu vong, trú đóng tại một địa điểm trong quận lỵ, yêu cầu các đơn vị trưởng ký nhận và thi hành.

Khoảng sau 12 giờ trưa thì có lệnh đầu hàng, bàn giao chính quyền của Tổng Thống Dương Văn Minh phát đi trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn. Một tiếng đồng hồ sau đó thì Ban Truyền Tin Chi Khu nhận được tín hiệu từ “phía bên kia” yêu cầu Quận Trưởng lên máy tiếp xúc với Bí Thư Huyện của Việt Cộng. Ông Quận lại phải gọi về Tỉnh xin lệnh, và đến khoảng ba giờ chiều thì ông Quận cho hay là theo yêu cầu của phía bên kia, ông sẽ vào xã H.H., là xã bị Việt Công lấn chiếm từ vài ba tháng trước để “tiếp xúc” với huyện ủy Việt Cộng, bàn kế hoạch bàn giao. Ông Quận Trưởng hỏi ai muốn tháp tùng ông thì đi. Ông Đại Úy Chi Khu Phó kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Địa Phương Quân tân lập, ông Trung Úy Tiểu Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp, một binh sĩ mang máy truyền tin và tôi, Chỉ Huy Trưởng CSQG Quận tình nguyện đi cùng với ông Quận Trưởng, không nỡ để ông đi một mình vào vùng địch trong những giờ hấp hối nầy. Ông Quận Trưởng muốn ông Chi Khu Phó ở lại nhưng ông nầy nói việc ở Bộ Chỉ Huy Chi Khu để ông Trưởng ban 3 lo được rồi, ông ấy phải đi với ông Quận, sống thì cùng sống, chết thì cùng chết. Ông Quận đành để ông Chi Khu Phó cùng đi với phái đoàn.Tất cả chúng tôi đều mặc quân phục và cảnh phục chỉnh tề, lon lá đầy đủ, nhưng không mang vũ khí. Không rõ từ đâu, dân chúng ở quận lỵ biết được tin chúng tôi đi “tiếp xúc” với phía bên kia, nên đã ùa ra đường, nét mặt lo âu, đi theo chúng tôi một đoạn đường khá xa. Ông Quận Trưởng phải nhiều lần khuyên họ trở về, số người tiễn chúng tôi đi vào vùng địch chiếm mới giảm đi chút ít. Đến khi chiếc tác ráng, hay nói cho dễ hình dung hơn là chiếc xuồng có gắn máy đuôi tôm, của “phía bên kia” xuất hiện với hai người mặc đồ nylon dầu, đeo AK 47, và khi phái đoàn của chúng tôi bước xuống xuồng máy, thấy thiếu đi một người là ông Trung Úy Tiểu Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp vì ông ấy tự ý rút lui, thì ở trên bờ rạch vẫn còn đông nghịt dân chúng từ phố quận theo chúng tôi tới đây đứng vẫy tay chào, tạm biệt hay vĩnh biệt?

Chiếc xuồng máy chở chúng tôi theo con rạch nhỏ khoảng 2 cây số thì đến điểm hẹn, thấp thoáng một số đông Việt Cộng mặc đồng phục nylon dầu màu xanh đen, mang AK bố trí dưới những gốc dừa và những lùm cây. Đón chúng tôi có khoảng 5, 6 người thuộc huyện ủy sở tại, đứng đầu là Bí Thư Huyện Ủy, trên nền của một ngôi nhà đã hoàn toàn đổ nát. Hai bên bắt tay chào hỏi, giới thiệu, thái độ thân thiện. Bên kia xưng toàn bí danh, kèm theo chức vụ, chẳng hạn Bí Thư Huyện là Hai Phong, Trưởng ban An Ninh Huyện là Mười Nở ( 1 ), v.v…Bên chúng tôi xưng cấp bậc, tên họ, chức vụ. Sau đó, bên kia hỏi từng người chúng tôi thứ mấy - thứ bậc trong gia đình, theo kiểu người miền Nam - rồi thì sau đó cứ theo thứ mà xưng hô, nói chuyện với nhau. Hai bên lại mời nhau hút thuốc, nhưng vì ai cũng có một gói thuốc của mình, nên thuốc ai người nấy hút, phe ta thì toàn Capstan - kể cả tôi hôm ấy cũng có một gói Capstan trong túi, chứ thường thì tôi hút Bastos Deluxe, bao vàng - phe bên kia thì toàn Ruby. Mở đầu, Bí Thư Huyện Hai Phong trấn an chúng tôi rằng bây giờ đã hòa bình, với chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc của chánh quyền cách mạng, sau khi bàn giao chính quyền xong, chúng tôi sẽ ai về nhà nấy xây dựng cuộc sống mới, và cùng nhau góp tài góp sức xây dựng đất nước. Không nghe ông Quận nói gì, tôi lên tiếng rằng đã có những vụ trả thù, tàn sát ở miền Trung đối với các cấp quân nhân, công chức và đặc biệt là nhân viên CSQG khi bộ đội Cộng Sản vào thì Bí Thư Huyện lên tiếng rằng đó là những điều tuyên truyền, vả lại nếu có chỉ là những hành động cá nhân, chứ chủ trương của cách mạng là khoan hồng, nhân đạo, hòa hợp hòa giải. Tôi còn nói rằng những anh em CSQG trong quân nầy là những người thừa hành, dưới quyền tôi, nếu các anh muốn kết tội thì hãy kết tội tôi. Bí Thư Huyện nói anh hãy tin tưởng cách mạng, sẽ không có chuyện trả thù. Sau nầy nghĩ lại, tôi thấy buồn cười. Mình đã như cá nằm trên thớt, còn bày đặt điều kiện nầy nọ gì nữa chứ? Họ muốn hứa gì thì hứa, làm gì thì làm, ai làm gì họ? Hơn nữa, theo những tài liệu đọc được sau nầy, đa số những người thuộc Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và lực lượng võ trang của họ cũng là những người bị đám Cộng Sản miền Bắc phỉnh phờ, lừa gạt, không khác gì những người trong thành phần thứ ba của miền Nam Việt Nam, và số đông dân chúng miền Nam nhẹ dạ, tin rằng sẽ có hòa hợp hòa giải dân tộc thực sự để sau chiến tranh sẽ được cùng nhau sống trong thanh bình thịnh vượng. ( 2 )

Bí Thư Hai Phong lấy ra một tấm bản đồ quân sự, chỉ trỏ chỗ nầy chỗ nọ, yêu cầu ông Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng của chúng tôi đích thân lên máy truyền tin gọi các đơn vị Địa Phương Quân, các Xã, các Phân Chi Khu ban lệnh buông súng và bàn giao chính quyền. Ông Quận nói xong thì đến lượt tôi, gọi ông Sĩ Quan Phụ Tá Đặc Biệt Quận yêu cầu truyền đạt lệnh buông súng và bàn giao đến các Cuộc CSQG trong quận. Sau đó hai bên hẹn 6 giờ chiều sẽ gặp lại nhau tại quận đường cũng là BCH. Chi Khu để tiến hành công việc bàn giao chính quyền, mà phía bên kia gọi là tiếp thu.

Ngồi trên chiếc xuồng gắn máy trở về quận lỵ, lòng tôi nao nao buồn. Một cái gì đó đã chấm dứt. Nhìn bô đồ bông Cảnh Sát Dã Chiến đang mặc trên người, đôi giày trận dưới chân, bất giác tôi lấy chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu xuống, ngắm nghía. Bấy lâu mình mang hia đội mão, khác nào anh kép hát trên sân khấu, bây giờ là lúc vãn tuồng. Nhưng cuộc chiến tàn khốc gần 20 năm, với hàng triệu người chết, hàng triệu người thương tật, để lại bao nhiêu là góa phụ, cô nhi, cùng với bao nhiêu làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa bị tàn phá là những điều có thật, những lo âu, những nỗi đau chia lìa mất mát là có thật, có thể đơn giản ví nó như một vở tuồng được không?

Con đường cặp theo con rạch nhỏ bây giờ có nhiều người, đa số là phụ nữ và trẻ em, đi cùng một hướng với chiếc xuồng gắn máy chúng tôi đang lướt sóng, tức là từ hướng làng quê đổ về quận lỵ. Có lẽ đây là đội quân tiên phong được lệnh của huyện ủy, xã ủy vào quận lỵ để thăm dò, xem “lính ngụy” có thật sự buông súng hay vẫn còn cố thủ? Khi chúng tôi về đến quận, đã thấy có rất đông người như đang có một hội hè đình đám gì rất lớn, tuy vậy điểm khác thường là đa số nhà cửa, tiệm quán đều đóng cửa im lìm. Đi ngang qua khu vực của G. Đặc Biệt Quân, tôi thấy yên lòng vì có một đám tro tàn trong sân, như vậy là anh em đã thi hành đúng tiêu lệnh của Bộ Tư lệnh CSQG. Tôi cũng thấy loáng thoáng trong đám đông 2 vị Thiếu Úy Cảnh Sát trẻ, một là Trưởng Cuộc tại xã quận lỵ, và một là Trung Đội Trưởng CSDC, đang mặc thường phục, nhìn tôi với nét lo âu, và hình như muốn thầm nói với tôi lời từ biệt. Về đến BCH. Quận, vẫn còn một số anh em CSQG ở đó, nhưng mọi người đều đã mặc thường phục. Một số hồ sơ, sổ sách tung tóe trên sàn nhà. Tôi nghiệm rằng anh em cũng đã làm đúng theo chỉ thị của Bộ Tư Lệnh và thấy không cần thiết để hỏi ai đã làm công việc nầy. Tôi dặn dò các vị Hạ Sĩ Quan Trưởng Ban gom góp vũ khí và sắp xếp việc bàn giao. Đơn vị CSQG nào còn cấp chỉ huy thì đơn vị ấy trực tiếp bàn giao, nếu không có cấp chỉ huy thì gom vũ khí về Bộ Chỉ Huy Quận để nơi đây lo.

Sắp xếp công việc bên nội bộ CSQG vừa xong thì ông Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng cùng một vài vị sĩ quan bên Chi Khu đến gọi tôi, ông Sĩ Quan Phụ Tá Đặc Biệt Quận và ông Trưởng Cuộc CSQG xã lưu vong cùng ghé nhà một vị nhân sĩ trong quận để bàn thêm về chuyện đón người phía bên kia vào bàn giao. Chuyện đón người cũng đơn giản, đến giờ hẹn, chúng tôi sẽ ra ven quận lỵ, trên con đường ban trưa chúng tôi đi và trở về, để đón những người ấy vào, rồi thì chia nhau về cơ quan, đơn vị mình tiến hành bàn giao cơ sở, vũ khí. Sau những điều dặn dò, chúng tôi gần mười người, vừa uống cầm chừng mấy chai 33, vừa cùng nhau trò chuyện trong tâm trạng buồn bã, chán nản, rã rời. Vì không ai trong chúng tôi là chính trị gia, hay là một nhà quân sự cao cấp có tầm nhìn chiến lược, cũng chẳng ai am tường tình hình quốc tế quốc nội, nên ai cũng có vẻ ngỡ ngàng, sao mình lại thua một cách dễ dàng như vậy? Tỉnh chúng tôi đang ở, từ cuối năm 1974, bị 2 trung đoàn chủ lực miền của Việt Cộng vây đánh, tiến chiếm hết xã nầy đến xã khác, với quân trú phòng là Nghĩa Quân, Cảnh Sát Quốc Gia và Nhân Dân Tự Vệ, tổng cộng gần phân nửa số xã trong tỉnh bị mất. Nhưng rồi sau đó, các tiểu đoàn Địa Phương Quân trong tỉnh, thường là tự đảm trách, đôi khi được vài tiểu đoàn chính quy của các sư đoàn bộ binh tăng cường, lần lượt tái chiếm, đưa chính quyền xã trở lại làm việc. Tình hình quân sự nặng nề hơn những năm trước, nhưng quân ta còn đủ sức phản công tái chiếm, dù rằng trong tỉnh không có sự hiện diện thường trực của các đơn vị chính quy. Nếu cần đánh và chịu đánh nhau thì vùng 4 không dễ gì thua và nếu có thua thì cũng không thể thua nhanh như thế.

Rồi thì lại an ủi nhau rằng chiến tranh giờ đã chấm dứt, không còn chết chóc nữa, ai về nhà nấy lo làm ăn trong hòa bình. Có người nêu nghi vấn là mình sẽ bị trả thù chăng, một số người nào đó sẽ bị đem ra hành hình chăng, như đã xảy ra ở các tỉnh miền Trung? Những người có ngạch trật, cấp bực, chức vụ kha khá trở lên trong chính quyền, quân đội có thực sự được cho về quê làm ăn sinh sống bình thường như mọi người? Lại an ủi nhau rằng chính quyền mới có chủ trương hòa hợp hòa giải, chắc sẽ không có chuyện trả thù. Vai trò và sự hiểu biết của chúng tôi vào thời điểm đó không cho chúng tôi có được cái nhìn xa hơn về tương lai của mình. Chúng tôi chỉ thấy một điều chắc chắn rằng bây giờ thì chúng tôi đã thua trận, đã đầu hàng, và số phận của kẻ thua trận đầu hàng chắc sẽ không đuợc tốt đẹp cho lắm dù rằng kẻ thắng trận có là người quân tử đi nữa.

Đến gần 6 giờ chiều, chúng tôi do ông Quân Trưởng dẫn đầu, đi về phía ngoại ô ven quận để đón phía bên kia như đã hẹn. Đi ngược hướng với chúng tôi cũng còn một số dân chúng từ các làng mạc đang đổ vào quận lỵ. Mãi đến gần 7 giờ tối, chúng tôi mới gặp một đoàn quân khoảng chừng 2 đại đội mặc đồng phục nylon dầu màu xanh sậm, nón tai bèo, trẻ măng, đa số mang súng M16, đang vừa đi vừa chạy về hướng chúng tôi. Chúng tôi gặp lại những người trong huyện ủy ban trưa, họ yêu cầu chúng tôi hướng dẫn đến sân vận động của quận. Có lẽ đã được sắp xếp trước nên khi chúng tôi đến sân vận động thì đã có một số rất đông dân chúng ở đó, và đoàn quân khoảng 2 đại đội vừa tiến vào quận cũng tập trung tại đây. Một người trong phe bên kia bước ra giới thiệu Bí Thư Huyện Ủy với mọi người. Bí Thư Huyện Ủy vừa nói vài vâu, thì người vừa đứng ra giới thiệu ban nãy, mà bây giờ chúng ta thường gọi là MC, đã hô to “Đề nghị hoan nghênh”, đám đông đồng thanh “Hoan nghênh” vang dội, rất nhịp nhàng, bài bản, chứng tỏ những người tập trung tại đây đa số là những người dân đã sống lâu trong vùng Việt Cộng kiểm soát. Tôi lúc đó thật bồn chồn, với đám đông nầy, với chuyên viên điều khiển mít tinh đầy khích động nầy, một tòa án nhân dân có được thành hình tại chỗ để kết án và hành quyết chúng tôi không? Bài diễn văn bị ngắt quãng nhiều lần bởi những đợt “đề nghị hoan nghênh” và những tiếng “hoan nghênh” đầy phấn khích. Trong tình hình và với tâm trạng lo âu vừa kể, tôi không nhớ được những gì Bí Thư Huyện Hai Phong đã nói trong đêm đó.

Sau cuộc tập họp tại sân vận động, chúng tôi cùng với những người phe bên kia về văn phòng quận, đám đông cũng kéo theo, ùa về quận đường. Quân đường là một khu vực bao gồm Văn phòng Hành Chánh Quận, Bộ Chỉ Huy Chi Khu, và cạnh đó là trung đội pháo binh diện địa. Những người dân từ lâu sống trong vùng VC kiểm soát tràn vào những chỗ nầy vì hiếu kỳ muốn biết đầu não hành chánh, quân sự của quận hay vì theo sự sắp xếp của huyện ủy muốn lấy số đông áp đảo tinh thần chúng tôi, những người vừa thua cuộc, đầu hàng? Sau khi ban bí thư huyện và một số người được giới thiệu là các đại đội trưởng đại đội địa phương huyện được ông Quận Trưởng mời ăn bánh uống nước giải lao, Bí Thư Huyện phân công những người bên kia theo chúng tôi về các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tương đương để nhận bàn giao. Mười Nở, Trưởng Ban An Ninh Huyện và vài ba thuộc hạ cùng tôi về BCH. CSQG quận. Mười Nở khoảng ngoài 30, mảnh khảnh, da trắng xanh, ăn mặc như một nông dân, thêm chiếc khăn rằn quấn cổ, và một cái túi vải đeo vai ( VC gọi là xà-cột ). Có lẽ nghề nghiệp đã tạo thành thói quen, Mười Nở ít nói, nhưng cặp mắt thì hay quan sát, dò xét. Tôi cũng thuộc loại người ít nói, hơn nữa với người lạ, cũng chả có gì để phải nói nhiều, nên giữa hai người chỉ có một số câu hỏi đáp cần thiết. Hình như Mười Nở có cho tôi hay là hôm sau tức ngày mùng Một tháng Năm, những người đầu não của quận trong đó có tôi sẽ được đưa đến “vùng giải phóng” để ra mắt nhân dân ( 3 ). Tôi tự hỏi mình cái vụ ra mắt nhân dân nầy có phải là ra trước tòa án nhân dân, rồi xử bắn? Công việc bàn giao cũng không rườm rà gì lắm, chỉ là bảng liệt kê mấy cái bàn, tủ, ghế, máy đánh chữ, một chiếc xe truck nhỏ - không có chiếc Jeep vì nó đang nằm chờ sửa chữa ở BCH. Tỉnh ba, bốn tháng nay - một số súng ống, đạn dược. Công việc bàn giao đang tiến hành, có một tay có vẻ là một cấp chỉ huy quân sự, tạt vào. Tay nầy có vẻ thích mấy cây P.38 của cảnh sát, bốc cây nầy, ngắm nghía cây kia, rồi hỏi Mười Nở để lấy một cây. Tôi không biết hai người nầy có phải là đảng viên cộng sản không, nhưng nghe xưng hô với nhau là đồng chí. Mười Nở nói năng có vẻ từ tốn, nhưng cương quyết từ chối. Tên kia hầm hầm bỏ đi, trách móc Mười Nở không nể mặt. Tôi thì vẫn ngại Mười Nở sẽ hỏi về nhân sự và sổ sách giấy tờ, nhưng cũng may y ta không hỏi tới, vì đã mệt mỏi, hay chưa có chuẩn bị? ( 4 ) Vì phải bàn giao luôn súng đạn của Trung Đội CSDC, một Cuộc Cảnh Sát lưu vong, và Cuộc Cảnh Sát xã quận lỵ nên mãi đến gần 3 giờ sáng ngày Một tháng Năm việc bàn giao mới hoàn thành.

Đêm đó, dù đã bàn giao xong, tôi vẫn nằm ngủ trên chiếc ghế bố đặt trong cái buồng nhỏ của BCH. Cảnh Sát quận. Những mệt mỏi, căng thẳng kéo dài từ sáng ngày 29 tháng Tư đến giờ nầy đã giúp tôi quên hết suy nghĩ, lo âu, đánh một giấc ngon lành đến khi trời sáng tỏ. Một ngày mới bắt đầu, cũng là ngày khởi đầu của một cuộc đổi đời thê thảm cho toàn dân miền Nam Việt Nam, trong đó các thành phần Quân, Công, Cán, Cảnh thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa là những thành phần phải hứng chịu nhiều đắng cay, nghiệt ngã nhứt, sau ngày 30 tháng Tư năm ấy.

Tưởng niệm ngày mất nước

Connecticut, ngày 21 tháng Ba năm 2008.
Lữ Thứ
một quân nhân biệt phái

(1) 2 bí danh nầy do Lữ Thứ tự đặt.
(2) Khi tôi bị đưa về giam ở khám lớn của tỉnh, Mười Nở nhân chuyến công tác có ghé thăm tôi, cho biết chúng tôi sẽ được học tập trong vài tháng để biết đường lối, chánh sách của cách mạng, rồi sẽ được tha về. Mười Nở có vẻ thành thật khi nói với tôi điều nầy, kể như nghe cấp trên nói sao thì y biết vậy, chứ đâu ngờ rằng chúng tôi đã được đảng và nhà nước khoan hồng cho đi cải tạo thời gian dài 5, 10, 15, 17 năm. Nhiều người đã chết trong tù vì tai nạn lao động, vì bệnh hoạn không thuốc men, vì vượt ngục bị bắn chết…riêng ông Quận Trưởng được nhắc tới trong bài nầy, về sau ra Bắc, đã chết vì bệnh nên không bao giờ có được ngày về.
(3) Thực tế không có vụ “ra mắt nhân dân”. Hôm sau, tức ngày Một tháng Năm, chúng tôi được đưa vào vùng của VC chiếm trước đây để giam giữ. Lúc đầu, từng nhóm nhỏ được gửi trong nhà dân, được dặn đi lại phải có công an hay du kích đi theo, sau đó được đưa vào một khu tập trung đông hơn, có công an và du kích canh gác. Khoảng nửa tháng sau, ông Quận trưởng, Chi Khu Phó và tôi được đưa về Trung Tâm Cải Huấn cũ tại tỉnh.
(4) Chỉ vài ngày sau, tôi và SQPT/ĐB quận bị tra vấn về vụ hồ sơ tài liệu bị thiêu hủy nầy. Vài tháng sau, khi ở trong trại giam chánh thức, tôi lại bị kêu lên văn phòng “mần việc” lại về vụ nầy hết mấy ngày.

No comments: