Wednesday, April 30, 2008

Doi Ty Nan 1975



Ðời Tỵ Nạn 75
Tác giả: Thư Sinh


Khi gia đình tôi đến Tin city, Anderson tại đảo Guam thì đã gặp mấy quan to súng lớn ở đó rồi. Trong số đó có cả một vị quan tòa MTV3CT. Vừa tới dẫy nhà tạm nghỉ, thì cái thằng tôi được đề cử làm đại diện đi lãnh ít mền, khăn giải giường, xà bông, dao cạo râu. Khệ nệ mang về đến phòng thì lại có người nhờ đi xin cái sô để giặt quần áo. Tiếng Mẽo, đã ú ớ, lại phát âm theo giọng Tây, nên cố gắng dùng cả chân, cả tay để cắt nghĩa cho cái thằng GI không quân mà nó chả hiểu mô tê gì cả. Mãi về sau, nó đưa cho mượn cái thùng đựng rác nhỏ bằng nhựa, thôi thì cũng cầm về vậy.


Nghỉ một đêm đến sáng hôm sau bắt đầu thưởng thức cuộc đổi đời lần đầu tiên sau cuộc chạy giặc 75. Thưa với quý vị rằng ai đã từng sắp hàng dài 3 cây số để lãnh cơm ăn ở tại Anderson dưới ánh nắng gay gắt thì chắc đã học được bài XHCN. Thật vậy, thời còn mồ mả VNCH ta ngày xưa có ai phải xếp hàng đâu. Chỗ nào đông quá thì a lê chen thật mạnh. Tôi nhớ hồi 1960 đi đóng học phí ở trường Luật, các ông bà sinh viên đàng sau chen tôi làm rách cả áo, tuột cả giầy. Ðấy là tương lai trí thức đó, còn những thành phần khác thì sao? Ăn bữa cơm đầu tiên với hot dog, thịt bằm chả hợp khẩu vị của mình tí nào, gia đình tôi thấy đã khớp. Kể từ đây về sau mà phải ăn cái thứ chua chua ngọt ngọt như thế này hoài thì chắc chết. Câu hỏi đó chắc cũng được nhiều người đặt ra hối đầu tháng 5 năm 75. Gia đình tôi ở lại Guam hơn một tuần thì được máy bay chở đi Camp Pendleton, Cali sau khi ghé Honolulu 2 tiếng đồng hồ.


Ðến Pendleton, toán chúng tôi được đưa xuống trại 7, sau đó trại này dành cho người Cam Bốt và người Lào,nên chúng tôi lại phải chuyển lên trại 5. Trại 5 và 6 nguyên trước đây là một khu rừng, sau này được TQLC Mỹ dùng xe ủi đất san bằng dựng lều vải cho người tị nạn ở. Mỗi căn lều có khoảng 20 cái ghế bố, chia làm 2 dẫy. Tiết tháng năm trong thung lũng Pendleton vẫn còn lạnh. Mỗi người được phát một cái mền chả thấm vào đâu. Áo lạnh mãi đến khi gần xuất trại mới phát. Lúc mới đến họ chỉ cho mượn tạm cái jacket nhà binh, "sai" của các ông lính Mỹ nên người mình mặc vào, ai cao thì cũng đến đầu gối, còn không thì quét xuống đất trông không giống con giáp nào hết, chỉ nhìn nhau mà cười trừ. Vì con số người tị nạn đến trại khá đông nên vừa sắp hàng ăn cơm sáng xong cho dạ dầy nghỉ độ 2 tiếng là đã phải sắp hàng ăn trưa là vừa. Ðộ 3,4 giờ chiều đã phải sắp hàng chờ ăn cơm tối. Việc làm giấy tờ, khai báo lý lịch, trên Processing Center diễn ra 24/24 và 7 ngày 1 tuần.

Nhiều khi khai viết, chụp hình, lăn tay đến hơn 11 giờ đêm chưa xong. Mấy người bạn cùng lều có chút tiền còm vào PX mua được ít gói mì. Thế là tối hôm đó chúng tôi lấy lon ghi gô, đổ ít nước vào rồi bắc bếp nhúm củi đun sôi ăn mì, chùm chăn trên giường ngồi tán gẫu. Ngày qua ngày như vậy, gia đình tôi phải chờ ở trại đến hơn 3 tháng, vì muốn nghe ngóng tin tức xem người nhà có ai đi thoát được không. Sau này thất vọng nên phải chọn tiểu bang màđịnh cư. Từ thuở nhỏ đọc sách vở nghe nói TB Colorado rất đẹp, nên lúc phỏng vấn tôi gật đầu nhận đại để thử thời vận.


--------------------------------------------------------------------------------
Hôm xuất trại chúng tôi được chuyển xuống trại 8 để ngày mai ra phi trường trực chỉ Colorado. Máy bay ghé Denver rồi chuyển phi vụ xuống Colorado Springs. Phi trường hồi đó nhỏ xíu. Hành khách phải đi cầu thang xuống đất rồi đi bộ vào chứ không có bắc cầu như bây giờ. Một gia đình đại diện cho nhà thờ bảo trợ ra đón chúng tôi, tặng cho mỗi người một bó hoa. Ôi cảm động làm sao! Hành lý của chúng tôi gồm một cái sắc tay đem từ VN và 2 thùng carton đựng quần áo xin được ở trại và các thứ cần dùng khác, tất cả được tống lên xe và chúng tôi được trở về một nơi tên là "black forest", cách thành phố gần 20 miles. Nhà "pông sô" của chúng tôi có 5 phòng ngủ rộng rãi nằm trên một khu đất cỡ 5 acres, có chuồng ngựa, có sân chơi rộng, có rừng thông chung quanh. Chủ nhà giao cho chúng tôi 2 phòng ngủ. Sau bữa cơm tối, 2 gia đình khác thuộc nhà thờ bảo trợ đến thăm để "xem mắt."

Ngày hôm sau, họ dẫn chúng tôi lên gặp ông mục sư và nhân tiện đưa lên phố đi chợ Ðại Hàn, bán thực phẩm Á Ðông. Chúng tôi há hốc miệng khi thấy gạo, nước mắm là những thứ thật hiếm hoi trong trại tị nạn, thì ngoài này đều bán cả. Cái mối lo cả đời phải ăn đồ Mỹđã tạm tiêu tan. Hai ngày hôm sau họ sắp xếp cho chúng tôi đi phỏng vấn để xin việc làm, vì nhà thờ bảo trợ không muốn cho chúng tôi ăn tiền xã hội cho nên họ không hề hở răng cho chúng tôi biết về các chương trình đặc biệt của chính phủ giúp đỡ người tị nạn. Mãi đến một năm sau chúng tôi mới dò hỏi biết, thì mọi sự đã đâu vào đấy. Chúng tôi đến Colorado Springs vào ngày thứ ba, ngày thứ năm đi phỏng vấn, thứ sáu có tin được nhận việc, ngày thứ hai vác túi lunch đi làm liền. Người bảo trợ ngày 2 lần sáng đưa đi tối đón về. Chúng tôi làm được một việc là tập cho gia đình Mỹ bảo trợ biết ăn cơm Việt Nam và húp nước mắm. Bữa đầu tiên họ đã khoái khẩu nên nên từ đó họ đề nghị một ngày ăn cơm Việt một ngày ăn cơm Mỹ.


--------------------------------------------------------------------------------
Sau 5 tuần ở với người bảo trợ, một phần là thiếu tự do, một phần là thấy hơi phiền hà cho họ, đưa đón ngày 2 lần, mất 20 miles một lượt, nên chúng tôi xin ra ở riêng. Thế là họ dẫn chúng tôi đi thuê một căn nhà3 phòng ngủ gần đường xe bus để đi làm cho tiện. Nhà thờ bảo trợ lại quyên được mấy cái khung giường, mấy cái nệm, và 1 bộ salông cũ. Tất cả cũng tạm đủ cho gia đình khởøi sự cuộc sống "ra riêng" đầu tiên trên nước Mỹ. Ði làm một tháng đem check về trừ đầu trừ đuôi, thuế liên bang, thuế tiểu bang, an ninh xã hội, bảo hiểm sức khỏe, răng lợi lung tung beng, còn lại vẻn vẹn có $250, thấy mà chán ngán. Tiền thuê nhàđã mất $215, điện, nước, gas, điện thoại ngấu nghiến mất hơn $100. Bốn cái check của bà xã cộng lại đúng $240, lương tối thiểu $2.10 một giờ. Trừ đi tính lại chúng tôi chỉ còn có $175 một tháng để ăn uống, may mặc, tiêu sài cho một gia đình 4 người. Cuộc sống quá bấp bênh, làm việc được ngày nào hay ngày đó, rủi có một người mất việc thì thật là chí nguy. Ðời sống của người tị nạn, lạc lõng nơi xứ người, lạ nước lạ cái, quả là có rất nhiều lo âu, suy nghĩ mông lung, ngoại trừ những người có tiền đem từ Việt Nam sang thì ngoại lệ.


Hai tuần sau, ông bảo trợ đem đến nhà một cuốn sách để học luật lái xe. Tuần sau họ rủ chúng tôi đi mua xe hơn bằng tiền quyên được của nhà thờ. Mình đi cho vui vậy chứ có biết ất giáp gì. Sau cùng họ mua cho cái xe Chevrolet đời 1963, đã hơn 12 tuổi, giá $300. Có xe để trước nhà mà không được lái vì chưa có bằng lái. Sau vài tuần tập dượt, tôi gọi ông bảo trợ nhờ chở đi thi. Ðậu bằng lái xe rồi, chúng tôi kể như hoàn toàn tự túc. Nhà thờ bảo trợ cũng kể như hết nặng nợ với chúng tôi. Hồi đó một gallon xăng có 45 cents, một bao thuốc lá Pall Mall cũng có 37 cents.

--------------------------------------------------------------------------------

Tôi nhớ lại, hồi chưa có xe, tôi gặp phải trận tuyết đầu mùa, cao tới đầu gối. Từ sở làm tôi phải cuốc bộ khoảng 4 block mới ra tới trạm xe bus. Thật là một kỷ niệm lạnh căm và ướt át để đời. Hôm đó tôi về đến nhà đã gần tối, lạnh run và hốc hác. Nghĩ lại biết thế xin tị nạn tiểu bang nóng bỏng Arizona cho xong. Cuộc đời của chúng tôi bắt đầu xoay chiều, vì kể như chúng tôi đã hoàn toàn tự tức, tự cường trong vòng 2 tháng. Thỉnh thoảng một vài người trong nhà thờ đến cho một số quần áo cũ quá khổ và rách đựng trong bao giấy. Chúng tôi vẫn phải tươi cười vui nhận để họ vừa lòng và sau đó phải đem cho lại Goodwill. Với số lương hàng tháng như đã nói trên, gia đình chúng tôi phải dè sẻn lắm mới đủ sống. Tiền đâu mà may mặc, cuối tuần phải thăm viếng các tiệm bán đồ cũ và chợ trời để kiếm đồ rẻ và có quyền "mặc cả". Từ ngày có xe lại thêm tiền xăng. Xe cũ lại có 8 máy nên uống xăng như uống nước lã, nhất là thỉnh thoảng nó lăn quay ra ăn vạ thì thật là phiền, kéo đi mấy ông "bác sĩ sửa xe" thì các ông này chém kỹ lắm, thông thường mất cả 100 đô, chưa kể tiền kéo xe.

Thành phố chúng tôi thuở đó người Việt tị nạn sống thật rải rác, ai cũng ngơ ngác vật lộn với đời sống mới để lo làm ăn. Những người Việt Nam sang trước 75 cũng tỏ vẻ rất xa cách người tị nạn mới như chúng tôi, chả hiểu có phải vì mặc cảm tư tôn hay tự ty. Thỉnh thoảng đi chợ mà gặp giọng nói Việt Nam thì sán lại ngay tán gẫu cho đỡ ghiền. Sau này cơ quan Red Cross đứng ra tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên cho người Việt tị nạn. Cá nhân tôi hơi thất vọng vì ngay lần đầu, đã có vài nhóm gia đình cãi vã to tiếng. Nhân viên Red Cross phải nhẩy vào can thiệp để tránh ẩu đả.

--------------------------------------------------------------------------------


Hè 1976, chúng tôi có bà con từ Florida sang chơi. Chúng tôi bèn đánh liều làm một màn lái xe về Nam Cali. Vâng, vẫn cái xe cũ rích, đem ra tiệm cho nó "tune up". Xe 2 cửa, có 5 chỗ ngồi, nhưng chúng tôi nhét vào 7 mạng. Xe đi boong boong qua New Mexico, Arizona. Chỗ nào cũng thấy lạ, mỗi nơi một vẻ. Ðất nước này rộng lớn quá. Vì chán ăn hamburger nên chúng tôi đem theo 4 nắm cơm, một nồi thịt heo rang, 1 lọ muối vừng (mè), trái cây, nước ngọt để trong thùng đá. Nghỉ đêm tại Holbrook, bang Arizona. Sáng hôm sau chúng tôi khởi hành thật sớm dùng xa lộ I-40 xuống phía Tây Nam. Ði vào mùa hè, mới 11 giờ đã nóng chảy mồ hôi. Xe không có máy lạnh. Chúng tôi nghỉ và đổ xăng ở Needles, trước khi băng qua sa mạc. Mua thêm một bịch nước đá chuẩn bị chiến đấu với sức nóng khủng khiếp của sa mạc. Nghe radio báo là nhiệt độ đã lên tới 120 độ F, nhưng chúng tôi vẫn nhắm mắt liều ra đi. Trên xa lộ bảng chỉ dẫn cho biết trạm xăng kế tiếp cách xa 150 miles như là một cảnh cáo và dặn dò. Chúng tôi chỉ biết phó mặc cho Trời. Vượt cả ngàn hải lý từ VN sang đến đây chả nhẽ lại bỏ mạng tại vùng sa mạc đất nước tự do này. Gió nóng của xa lộ hắt vào trong xe thật hãi hùng, giống như ngồi bên lò lửa vậy. Chúng tôi phải ngừng lại 5 lần, giữa sa mạc nóng bỏng không người qua lại, để cho xe nghỉ và sấp khăn nhúng nước đá lên đầu. Ðây là một kỷ niệm khiếp đảm, vì nếu xe bị trục trặc, chúng tôi đã bỏ mạng ở bãi sa mạc đó. May phước chiếc xe cũ rích vẫn tiếp tục lăn bánh. Chúng tôi qua khỏi vùng sa mạc đến Barstow vào lúc 3 giờ chiều. Mọi người đều hú vía, ông bác tôi, một cụ già 72 tuổi, gần như muốn ngất xỉu. Chúng tôi ghé tiệm McDonald để nghỉ ngơi ăn uống và hưởng chút máy lạnh, rồi tiếp tục cuộc hành trình về Orange County.

Vào đến giới phận Los Angeles chúng tôi đều lác mắt kinh ngạc về cảnh xe cộ, đông như kiến cỏ, cua bò ngổn ngang trên free way. Xa lộ mỗi chiều có đến 7, 8 lanes. Từ trên đỉnh núi trông xuống thật tuyệt đẹp. Ðây là lần đầu tiên lái xe đi xứ lạ, nên tôi phải nhờ đến bản đồ vì sai một ly đi cả 10 dặm. Nếu không chú ý mà sang lane kịp để mà ra exit thì ôi thôi xa lộ với giòng xe nối đuôi sẽ ép mình đi mãi khó mà quay trở lại. Vì vậy mà tôi phải rán sức chống mắt nhìn bảng chỉ dẫn tên đường, chen lấn để đổi lane. Tự nhiên thằng con tôi nhắc cho tôi biết là có "phú lít" đàng sau. Qua kính chiếu hậu, tôi thấy đèn xanh đỏ chớp thật. Tôi tự nghĩ mình có làm gì đâu mà nó chớp chắc là nó bắt thằng nào đó. Nhưng sau đó tôi nghe tiếng còi hụ. Thôi đúng mình rồi. Tôi vội ra hiệu đèn bên phải và từ từ ép vào lề. Ông phú lít xuống xe, lò dò đi tới, đòi xem thẻ chủ quyền và bằng lái xe và nêu tội là tôi đi quá 55 mph. Lúc ấy tôi nói thật là tôi từ xa mới về và nói rằng tôi phải cho thằng bé con của tôi và ông bác cao tuổi đến nơi nghỉ ngơi gấp vì vừa qua sa mạc kinh hoàng. Ông phú lít tỏ vẻ thông cảm và hỏi tôi là người nước nào. Tôi trả lời là dân tị nạn anamít. Thế là ông nhoẻn một nụ cười kể chuyện ông ta đã sang VN và từng đóng ở Củ Chi. Úi chà hú vía, lần đầu tiên bị phú lít hỏi mà may mắn gặp Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại VN, dù sao vẫn còn chút tình đồng minh.

--------------------------------------------------------------------------------
Cali hồi đó chưa có Little Sàigòn như bây giờ. Sau mấy ngày du hí xem thắng cảnh DisneyLand và Seaworld dưới San Diego chúng tôi lại lên đường trở về. Lần này chúng tôi dùng xa lộ US-1 vòng vèo qua bờ biển lên thẳng miền Bắc San Jose, San Francisco rồi ghé Sacramento thăm người bạn. Rời thủ phủ Cali, chúng tôi xuống nghỉ đêm tại Reno, bang Nevada rồi tiếp tục cuộc hành trình về Salt Lake City, bang Utah. Ðổi xa lộ I-80 về Cheyenne, bang Wyoming rồi về nhà. Tính quãng đường lái xe trong vụ hè đó là hơn 4000 miles đi ngang qua tiểu bang miền Tây, điều may mắn nhất là xe cũ rích đó không sinh bệnh giữa đường. Chúng tôi đeo đẳng với cái xe đó đến 5 năm sau mới đổi.

Mở báo chí hàng ngày, vặn radio hay bật TV lên, nếu có tin tức gì liên quan đến người Việt Nam, người ta đều dùng danh từ "tị nạn" để chỉ chúng ta dù chúng ta có đổi tên đổi họ sang John, Jack, Lynda hay Cathy; dù chúng ta có sửa mũi cho cao; có nhuộm óc cho thật vàng thật nâu. Cái chứng tích da vàng sẽ luôn luôn còn đó và sẽ gắn liền với chữ refugee theo đuổi ta đến khi xuống lỗ. Vì vậy cuộc đời tị nạn nào, dù mới hay cũ cũng giống nhau đều phải trải qua những bỡ ngỡ không ít thì nhiều. Tất cả đều phải cố gắng tùy theo hoàn cảnh. Có người may mắn thì được chính phủ giúp 7,8 năm vì con đông, có người 1,2 năm, có người không được hưởng gì cả mà phải lo kéo cầy từ đầu.

Có một số người đang muốn chối bỏ cái mác "tỵ nạn" của mình, bằng cách là tuyên bố "không làm chính trị" . Nghĩ thật là buồn cười. Nếu không phải xin định cư vào quốc gia thứ ba bằng lý do "Tỵ Nạn chính trị" thì đã bị trả về nước rồi. Một số người tình nguyện ở lại đảo Guam rồi xin về nước bằng tuần Trường Xuân; những người này rất đáng được ca tụng vì thẳng thắn - dù về sau có tiếc ngẩn ngơ - vì về đến nhà đã bị chui vô tù. Có một số người ngay từ năm 1980-1981 sau khi đủ điều kiện đã xin vào quốc tịch Hoa Kỳ, và trong đơn N-400 vẫn còn ghi rành rành là không có liên hệ dính dáng gì với Cộng Sản cả. Mẫu đơn N-400 cho đến ngày nay, nghĩa là 32 năm sau, vẫn còn những câu hỏi rõ ràng như thế. Nếu chính phủ Mỹ muốn làm khó dễ thì một số VK chắc chắn sẽ bị tội "man khai" về lý do "không làm chính trị này"

S ự nghiệp trên nước Mỹ này không phải tự nhiên mà có. Không ai đem dâng hiến cho mình. Tất cả được lập nên bằng những mồ hôi tủi nhục, bằng những hy sinh cực nhọc nơi ghế nhà trường, những giờ phút bù đầu làm bài trong đêm khuya, sau một ngày làm việc mệt mỏi. Có người sau giờ làm thường lệ, còn phải đi hút bụi làm sạch sẽ, cắt cỏ mướn, cào lá, tỉa cây, khòm lưng, vẹo cạnh sườn, mỏi cánh tay. Ở một xã hội đầy cơ hội này, ai cũng có thể tiến, để tạo cho mình một tương lai, miễn rằng biết cố gắng, chứ đừng há miệng chờ sung và than thân trách phận nuối tiếc thời vàng son mà giờ đây chỉ còn là bóng mờ dư âm./.

No comments: