Wednesday, April 30, 2008
1975 Nhung Gi Thay Doi
1975: Những gì thay đổi?
Friday, April 25, 2008
Ngô Nhân Dụng
Mỗi năm sắp đến ngày 30 Tháng Tư, nhiều người Việt Nam lại tự hỏi ngày lịch sử đó có ý nghĩa thế nào. Năm 1975, các lãnh tụ Cộng Sản vào Nam ăn mừng tuyên bố rằng đó là ngày “chiến thắng” của nhân dân Việt Nam. Sự thật ra sao?
Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trẻ em miền Nam có lời nói, cử chỉ kính trọng các thầy cô giáo hơn bây giờ. Chỉ 3 năm sau năm 75 là các em đã thay đổi rồi, theo kịp các trẻ em miền Bắc. Mà các thầy cô hồi đó cũng nhiều người giữ được tư cách đạo đức hơn bây giờ. Trước năm 1975 trẻ em miền Nam dưới 10 tuổi đều được đi học, các trường công lập không thu học phí. Ngay cả trong các trại tị nạn của các đồng bào chạy xa chiến trận, cũng có các lớp học miễn phí. Trẻ em ngoan ngoãn, biết nói năng lễ phép với cha mẹ, với những người lớn tuổi trong lối xóm. Bây giờ đã thay đổi hẳn.
Trước ngày 30 Tháng Tư 75 ở miền Nam trai thiếu gái thừa, nhưng chưa có người mẹ nào bán con đi lấy những người chồng ngoại quốc không hề quen biết, với giá mấy trăm đô la Mỹ. Không có những cô gái xếp hàng trưng bầy cho đàn ông ngoại quốc chọn. Không có người mẹ nào đem con gái bán cho các mụ Tú Bà. Bây giờ phong cảnh đã khác.
Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trong miền Nam cũng có nạn tham nhũng, mà một nước đang chiến tranh khó tránh khỏi nạn đó. Nhưng những quan lại tham nhũng thường cố tìm cách che đậy, giấu giếm, khi bị lộ thì biết hổ thẹn, vì bị họ hàng, bạn hữu coi khinh. Bây giờ cả nước đầy những tay tham nhũng, nhưng họ không biết hổ thẹn. Nếu bị phe đảng tranh ăn tố cáo, thì bắt rồi lại thả, coi như vô tội!
Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 trong Nam cũng có nạn ma túy, nhưng tỷ lệ thanh niên ghiền ma túy thấp hơn, chỉ bằng một phần mười ngày nay. Hồi đó cảnh sát công an ít hơn bây giờ so với dân số, nhưng họ lùng bắt những kẻ buôn ma túy mạnh hơn. Người ta đồn hồi đó có những ông tướng buôn ma túy, nhưng chỉ là đồn đại. Còn bây giờ, số công an cảnh sát đông như thế, nhưng con buôn ma túy vẫn hoành hành, không biết mạng lưới ma túy đã được ai bảo trợ!
Trước ngày 30 Tháng Tư 75, dân miền Nam lâu lâu vẫn tổ chức biểu tình phản đối chính phủ, không thua gì dân Nam Hàn cùng thời gian đó mặc dù đang có chiến tranh. Sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi giáo sư phải dậy bằng tiếng Việt, ký giả biểu tình phản đối bộ thông tin đóng cửa báo, các công nhân đình công, bãi thị, các học sinh lâu lâu bãi khóa vì những nguyên do khác nhau. Ðến những ngày chót của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn những cuộc biểu tình đòi bài trừ tham nhũng, bất công. Tinh thần độc lập, tự chủ của người dân rất cao, chính quyền không dám bắt họ. Ngày nay công an đi lùng bắt những người “có thể” đi biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, hàng tháng trước ngày cuộc biểu tình có thể diễn ra! Và như vậy, người ta gọi là dân miền Nam đã “được giải phóng.”
Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 trong miền Nam có đủ thứ báo chí. Có báo ủng hộ nhà nước, có báo chống chính quyền, phần lớn những tờ báo đều độc lập và nếu không chống mạnh thì cũng chống nhà nước nhè nhẹ. Báo Thần Chung, Ðuốc Nhà Nam chống ông Nguyễn Văn Thiệu một cách, báo Chính Luận chống cách khác, báo Ðại Dân Tộc (trong đó ký giả này viết hàng ngày) lại chống cách khác nữa. Những nhà báo kỳ cựu như Trần Tấn Quốc, Nam Ðình, Chu Tử, Nguyễn Vĩ, vân vân, mỗi người một vẻ. Bây giờ tất cả báo chí do một nhóm người lãnh đạo, bảo viết thì được viết, bảo im thì phải im. Và như vậy, người ta gọi là “giải phóng.”
Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 ở Sài Gòn có một Quốc Hội, trong đó có những người đối lập dám lên tiếng chỉ trích, có khi còn tuyệt thực để phản đối chính phủ. Họ hoạt động mạnh không thua gì những dân biểu đối lập ở Nam Hàn và Ðài Loan cùng thời. Chưa nói chuyện ai đúng ai sai, nhưng không khí sinh hoạt hào hứng. Những đại biểu Quốc Hội còn nêu tấm gương đạo đức trong sáng, tư cách bất khuất, như Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Tuyên, đến giờ nói tới vẫn khiến nhiều người dân hãnh diện. Bây giờ không ai biết các đại biểu Quốc Hội đang làm gì, ở đâu, trong lúc lạm phát lên tới 20%, trong lúc Trung Cộng đang in bản đồ Hoàng Sa thuộc nước họ đi phô bầy khắp nơi!
Trước ngày 30 Tháng Tư 1975 ở miền Nam báo chí có tự do, chính trị được tự do, rất nhiều con mắt nhắm vào chính quyền để quan sát và chỉ trích, khiến những kẻ cầm quyền có muốn làm bậy cũng phải e ngại. Chính vì thế mà nạn tham nhũng không bột phát mạnh như bây giờ.
Vậy thì ở Sài Gòn bây giờ ai vui mừng kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư, sau cuộc rước quác Thế Vận Bắc Kinh được chế độ Cộng Sản gồng mình bảo vệ?
Hồi sinh thời, ông Nguyễn Hữu Chung, cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa mươi năm trước đã viết trên báo Người Việt rằng có hai nơi nhiều người ăn mừng ngày 30 Tháng Tư, một là ở Ban Mê Thuột, hai là ở Sài Gòn. Ở Ban Mê Thuột thì có nhiều người đã kéo lên đó chiếm đồn điền, chiếm đất, nếu không nhờ ngày 30 Tháng Tư thì cả đời họ có đổ mồ hôi sôi máu mắt cũng không được hưởng những chiến lợi phẩm lớn như vậy. Còn ở Sài Gòn, số người hưởng lộc nhờ ngày 30 Tháng Tư còn đông hơn. Họ từ rừng kéo ra hay từ Bắc kéo vô, chiếm được những ngôi nhà, những cửa tiệm, có khi chiếm cả vợ con người khác. Từng lớp tư bản đỏ phát triển lên bắt đầu từ những cuộc chiếm đoạt đó, họ thuộc lớp người muốn bảo vệ chế độ để bảo vệ những “chiến lợi phẩm” thu được từ năm 1975 đến nay. Nhờ một chế độ kiểm soát các công đoàn, kiểm soát báo chí, ngăn cấm những người có ý kiến độc lập, thì giới tư bản đỏ mới có cơ hội lợi dụng guồng máy kinh tế hoang dã, đổi mới nửa nạc nửa mỡ, để thủ lợi.
Cứ nghĩ đến những gì đã thay đổi ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1975 thì chỉ buồn. Nếu có niềm vui, thì ở miền Bắc được hưởng nhiều hơn; cho nên bà con miền Nam cũng nên chia sẻ nỗi vui mừng với đồng bào miền Bắc. Sau năm 1975 nhiều người ở miền Bắc đã khá giả hơn nhờ chiến tranh chấm dứt. Nhờ chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Âu Châu và Liên Xô, guồng máy kìm kẹp của đảng Cộng Sản cũng được tháo lỏng hơn. Người dân dễ thở hơn, nên những vụ cãi cọ nhau, đánh lộn nhau, giữa hàng xóm láng giềng, giữa vợ chồng, cha con, cũng giảm bớt. Những cảnh mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mô tả bây giờ cũng bớt đi. Nhiều người ở miền Bắc khi mua hàng đã biết nói cám ơn những người bán hàng, hai bên cùng bầy tỏ lòng tương kính. Nhiều bậc cha mẹ ở miền Bắc lấy lại được quyền dậy dỗ con cái thay vì hoàn toàn để cho đảng Cộng Sản nhồi sọ, cho nên trẻ em cũng học được lễ độ, phép tắc con nhà. Tất nhiên, đời sống kinh tế người dân miền Bắc đã vượt cao lên bằng trăm lần những ngày trước năm 1975.
Nhắc đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng trong cả bài này quên chưa nhắc đến khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” mà Hồ Chí Minh đã dùng để cổ động cho hàng triệu thanh niên miền Bắc hy sinh mạng sống. Quên, cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì bây giờ chẳng ai nhắc đến khẩu hiệu đó nữa. Chống Mỹ? Bây giờ ai bỏ cả triệu đô la đăng một trang quảng cáo trên nhật báo Wall Street, chỉ để đem về nói dối với dân khoe rằng tờ báo lớn nhất của tư bản Mỹ cũng phải viết về thành tích làm giầu của đảng Cộng Sản! Chống Mỹ? Vậy ai đưa con cái qua Mỹ lấy cớ du học để mua nhà, mua cơ sở thương mại và dần dần đưa vợ con sang Mỹ sống?
Còn cứu nước thì sao? Có chính phủ miền Nam nào đã viết thư nhượng đất đai, hải đảo cho nước Mỹ hay không? Chỉ có ông Phạm Văn Ðồng ký cho Trung Quốc hưởng! Chính phủ Mỹ có bao giờ tính chiếm lấy một mảnh đất nào của người Việt Nam không? Chính quân đội Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa sau khi giết chết các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa giữ đảo! Tại sao đảng Cộng Sản ngăn cấm không cho dân Việt Nam biểu tình phản đối tội xâm lăng Hoàng Sa của chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh?
Từ năm 1954 cho đến năm ông chết, trong 15 năm mỗi năm ông Hồ đều hô hào chống Mỹ cứu nước. Chắc trong đảng Cộng Sản không còn ai muốn nhắc đến khẩu hiệu đó nữa.
Ðể kết thúc bài này, xin kể một câu chuyện gia đình.
Một người cháu ở Hà Nội vào Sài Gòn thăm ông chú đã từng bị giam giữ nhiều năm trong trại cải tạo. Ông cháu là đảng viên Cộng Sản muốn an ủi chú, nói rằng, cuối cùng đất nước ngày nay đã đổi mới, đời sống dân hai miền Nam Bắc đã được cải thiện hơn trước nhiều so với trước đây, chắc chú cũng vui trong cuộc sống mới.
Người chú nói: “Nếu như đảng Cộng Sản của cháu không phát động kế hoạch xâm chiếm miền Nam từ năm 1959 thì dân trong Nam không cần chính sách đổi mới nào cả cũng vẫn tiến được. Chắc chắn người miền Nam đã có mức sống cao như vầy từ nhiều năm trước rồi. Bây giờ nói chung người mình cũng chỉ mới tiến lên bằng dân Ðại Hàn vào khoảng năm 1975 thôi. Giả thử dân mình không giỏi như dân Nam Hàn chăng nữa, dù mình chậm hơn họ 5 đến 10 năm, nếu không bị ‘giải phóng’ thì vào năm 1980, 85 miền Nam cũng tiến lên không kém gì bây giờ rồi.”
“Tại sao người mình lại chịu thua kém, chậm tiến hơn các nước trong vùng Á Ðông, tụt hậu đi sau họ đến 30 năm? Vì đảng Cộng Sản đã gây chiến tranh Nam Bắc. Từ năm 1960 họ đã phá hoại liên tục, cái gì cũng phá, khiến cho miền Nam không xây dựng gì được. Sau năm 1975 họ lại tìm cách Cộng Sản hóa người miền Nam, theo đúng lối Nga Xô, Trung Cộng như ông Hồ Chí Minh vẫn mong muốn. Họ tập thể hóa nông nghiệp, xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân. Vì thế mà kinh tế suy sụp, lần đầu tiên dân miền Nam cũng thiếu ăn, trong khi ở miền Bắc thì nhiều người chết đói. Làm dân tộc thụt lùi như thế, họ còn khoe công đổi mới làm gì nhỉ? Tại sao họ không thú nhận đã lầm lẫn, đã gây nên tội với đất nước, với tổ tiên và con cháu? Tại sao không can đảm tuyên bố thẳng là tất cả đảng họ đã sai lầm đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, hãy đổi tên đảng đi, vì đằng nào thì cũng đang đi theo đường lối tư bản rồi? Mà lại đi theo thứ hình thức tư bản lạc hậu nhất trong các chế độ tư bản nữa chứ!”
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment