Wednesday, April 30, 2008
QUAN LUC VIET NAM CONG HOA
GS Andrew West : Quan Luc VNCH Can Truong
1 GS Sử Học Hoa Kỳ Nhìn Lại: Quân Luc VNCH Can Trường...
(LTS: Giaó sư Andrew Wiest đọc bài diễn văn sau trong buổi họp mặt của Cộng Đồng Người Việt Vùng Dallas, Fort Worth, phân tích rằng quân đội VNCH đã có sức mạnh kỳ diệu nhưng đã gặp quá nhiều bất công... Bài viết do Giáo Sư Trần Thủy Tiên dịch như sau.)
BÀI DIỄN VĂN Gửi Đến CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT DALLAS, FORT WORTH, Và CÁC VÙNG PHỤ CẬN
Nhân Ngày 26.4.2008
Trước hết, xin cho phép tôi được cám ơn Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt ở Dallas, Fort Worth và Các Vùng Phụ Cận, và ông Cung Nhật Thành, đã mời tôi đến đây để trình bầy trước một tập thể khán giả tuyệt vời như hôm nay.
*
Tôi chỉ có 14 tuổi khi Saigon thất thủ vào năm 1975, và vì vậy, tôi còn quá nhỏ nên đã không thể tham dự vào Cuộc Chiến Việt Nam của nước Mỹ.
Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy cuộc chiến qua ti vi, và những người anh lớn tuổi của các bạn tôi, đã thực sự chiến đấu trong cuộc chiến. Mặc dù lúc đó còn quá nhỏ, Chiến Tranh Việt Nam đã là cuộc chiến của thế hệ tôi về nhiều phương diện.
Sau bậc trung học, tôi đã lên đại học để nghiên cứu về lịch sử quân đội, nhưng lúc đó, không có ai giảng dạy các lớp học về Cuộc Chiến Việt Nam. Hậu quả là, tôi đã trở thành người viết lịch sử về Cuộc Thế Chiến Thứ I - nhưng việc tìm hiểu về Cuộc Chiến Việt Nam vẫn là niềm khát vọng sâu kín trong lòng tôi.
Năm 1997, tôi đã bắt đầu dạy các lớp ở trường đại học nơi tôi cư ngụ, Đại Học Miền Nam Mississippi, về Chiến Tranh Việt Nam. Trong khi chuẩn bị dạy lớp, tôi đã đọc rất nhiều về cuộc chiến, và cố gắng hết sức để quán triệt đề tài nầy, nhưng dường như vẫn còn điều gì đó thiếu sót về Cuộc Chiến Việt Nam. Để tiếp tục tìm kiếm giải đáp, tôi đã quyết định mang một nhóm sinh viên của tôi và các cựu chiến binh Hoa Kỳ, tới Việt Nam, để hiểu biết về Cuộc Chiến.
Chúng tôi đã đi từ Saigon tới Cần Thơ và Hà Nội, tôi đã học được rất nhiều, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó thiếu sót.
Rồi chúng tôi đi đến Huế, nơi đó, tôi đã gặp ông Phạm văn Đính (PVĐ), người đã làm được nhiều việc rất tài giỏi, với vị trí của một chỉ huy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy nhiên, tôi lại biết được rằng PVĐ đã mang nguyên cả Trung Đoàn của ông đến gia nhập quân đội của kẻ thù trong Trận Đánh vào Lễ Phục Sinh Tháng Tư 1972.
(* Người Miền Nam Việt Nam gọi là Trận Đánh Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.)
Khi trở về Hoa Kỳ, tôi gặp ông Trần Ngọc Huế, người đã từng là bạn và chiến hữu của Đính, và cũng đã thực hiện được nhiều chiến công đáng kể với vị trí chỉ huy trong quân đội VNCH. Nhưng khác với Đính, ông Huệ đã chiến đấu cho đến phút cuối cùng, dù lúc đó ông đang bị thương trầm trọng và bị bắt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào của Quân Đội VNCH vào năm 1971, và đã bị tù 13 năm trong các ngục tù của quân Cộng Sản Bắc Việt.
Các câu chuyện về Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế đã thu hút và chiếm trọn tâm hồn tôi; tôi muốn những câu chuyện nầy cần phải được kể ra cho mọi người biết.
Tôi đã đi tới Việt Nam để cố ý tìm hiểu về Cuộc Chiến Của Người Mỹ. Nhưng điều mà tôi đã tìm thấy được, lại là Cuộc Chiến Của Người Việt Nam.
Tôi đã lập tức khởi sự nghiên cứu tất cả mọi thứ mọi việc mà tôi có thể tìm được về Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Thật là ngạc nhiên, tôi tìm thấy quá ít. Cũng thật là nhanh chóng để cho tôi thấy rõ ràng là, Miền Nam Việt Nam và quân đội Miền Nam chỉ được kể đến trong những phần ghi chú ở cuối trang sách của các sách lịch sử của phương tây và người Mỹ khi viết về Chiến Tranh Việt Nam.
Lúc đó, tôi đã nhận thấy rằng; viết một quyển sách về Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế
không những sẽ là một niềm vui thích thú mãnh liệt cho cá nhân tôi, mà ngoài ra, khi xử dụng nghề nghiệp chuyên môn của họ như một bối cảnh văn chương cho việc mô tả, thì sau cùng, tôi có thể viết về Miền Nam Việt Nam và Quân Đội VNCH, vào trong phần lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam.
Các quan điểm duy nhất về quân đội Việt Nam mà tôi đã tìm thấy trong văn chương Hoa Kỳ khi viết về quân đội Miền Nam Việt Nam, là một quân đội đầy khuyết điểm và đã bị tiền định cho sự thất bại vào tay quân cộng sản. Tuy nhiên, những sự kiện có thật mà tôi khai phá được, đã bác bỏ cái lối nhìn cổ điển nầy về Quân Đội VNCH.
Tôi đã khám phá được là, Quân Đội VNCH đã tranh đấu can trường, vật vã trong gian - khổ, chống lại quân cộng sản trong 25 năm, và đã tử trận trên 200,000 người. Để làm sáng tỏ sự kiện nầy, hai trọng tâm chính trong công việc nghiên cứu của tôi là Phạm văn Đính và Trần Ngọc Huế, mỗi người đã chiến đấu trong một thập niên để phục vụ xứ sở của họ, trước khi binh nghiệp của mỗi người dẫn họ đến hai điểm kết thúc hoàn toàn khác nhau.
Thật quá hiển nhiên là, đã đến lúc câu chuyện về Quân Lực VNCH phải được viết lại cho đúng. Cuốn sách của tôi, Quân Đội Việt Nam Bị Lãng Quên: Tính Cách Anh Hùng và Sự Phản Bội Trong Quân Đội VNCH, tập trung vào hai cuộc đời của hai người đàn ông trong khu vực Quân Đoàn I & Quân Khu I của Miền Nam Việt Nam.
Vì vậy, cuốn sách không thể trình bầy toàn thể lịch sử của một cơ cấu phức tạp như Quân Đội VNCH. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng, cuốn sách là một sự khởi đầu tốt đẹp, một bước tiến đến gần để giải thoát Quân Đội VNCH ra khỏi vị trí vô hình vô tâm của lịch sử.
Trong vài phút tới đây, tôi sẽ cố gắng phác họa đại cương những kết luận cơ bản của công việc nghiên cứu của tôi. Tôi muốn bầy tỏ ý kiến của tôi, là Quân Đội VNCH đã bị chiến đấu trong một cơ cấu có kế hoạch sai trái, lỗi lầm. Kế đó, giống như nhiều người khác ngày hôm nay, nhiều người Mỹ đã xem Chiến Tranh Việt Nam như là một sự tập luyện quân đội với một giải pháp quân sự của người Mỹ.
Thay vì đoàn kết làm việc chung với Quân Đội VNCH, các lực lượng mạnh mẽ của người Mỹ đã có khuynh hướng xô Quân Đội VNCH sang một bên, với ý muốn dành phần thắng trận về một phía cho người Mỹ mà thôi. Do đó, nỗ lực quân sự của người Mỹ, dù có ý định tốt, đã gây hậu quả áp đặt, làm mất sự độc lập của Quân Đội VNCH và trói buộc Miền Nam Việt Nam vào cái kiểu tác chiến của người Mỹ, không phải của người Miền Nam Việt Nam.
Có thể nói, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, vị chỉ huy nổi tiếng và đáng kính của Sư Đoàn I, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã diễn tả đúng nhất, khi ông nhận định như sau:
Bước vào cuộc chiến tranh nầy với vị thế và cách bố trí dàn quân của một đội lính cứu hỏa, người Mỹ đã hối hả chạy đến để cứu giúp căn nhà Việt Nam khỏi bị tàn phá, nhưng lại ít quan tâm tới việc chăm sóc cho các nạn nhân đang bị cháy ở trong nhà. Chỉ sau khi người Mỹ nhận biết rằng các nạn nhân cũng cần được chữa trị và tập luyện trở thành những người lính chữa lửa để tự cứu lấy những căn nhà của chính họ, thì đến lúc đó, người Mỹ mới bắt đầu thực sự quan tâm chăm sóc cho họ. Nhưng thời gian quý báu đã trôi qua mất rồi, đợi đến lúc các nạn nhân cố gắng đứng lên và vừa mới bắt đầu đi được vài bước sau khi hồi phục, thì đội lính cứu hỏa lại nhận được mệnh lệnh phải trở về trụ sở cứu hỏa.
Bên trong cái cơ cấu sai lầm toàn diện nầy, Quân Đội VNCH đã chiến đấu lâu dài và can trường -- đã hoàn thành được rất nhiều chiến công hơn cả những gì mà các sách lịch sử Mỹ ghi nhận về cuộc chiến nầy.
Từ các năm 1965 - 1969, các lực lượng Hoa Kỳ và VNCH đã tham dự nhiều trận chiến nổi tiếng và vài trận mang tiếng xấu, trong Chiến Tranh Việt Nam.
Từ cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng, tới các cuộc đụng độ trong thung lũng A Shau (gần Quảng Trị), những trận đánh nầy được nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các sách lịch sử của người Mỹ đã sai lầm qua cách nhìn của họ, vì trong những sách nầy, Quân Đội VNCH thường xuyên bị bỏ quên trong các trận đánh.
Như vậy tôi tin rằng, để có một sự hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc chiến nầy, lịch sử phải bắt đầu tường thuật về Quân Đội VNCH.
Công việc nghiên cứu của tôi đã mở rộng ra để mô tả toàn thể cuộc chiến. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra hai thí dụ vững chắc làm đại diện cho lý do tại sao Quân Đội VNCH phải được viết vào lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam.
Thử cầm lên bất cứ cuốn sách nào về cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng quân từ Miền Bắc tràn vào Miền Nam, các bạn sẽ đọc thấy rằng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã nắm giữ vai trò chính trong việc chiếm lại Thành Nội Huế nổi tiếng (ở Miền Trung) vào năm 1968. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu rộng hơn, sẽ thấy, mặc dù Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chiến đấu rất gan dạ, nhưng thực ra chính những người lính của Quân Đội VNCH thuộc Sư Đoàn I, dẫn đầu bởi Đại Đội Hắc Báo, được chỉ huy bởi Trần Ngọc Huế, đã bảo vệ và chiến đấu mãnh liệt nhất để chiếm lại Cố Đô Huế.
Trong một thí dụ khác, đa số người tây phương đã nghe về Ngọn Đồi Hamburger, một trận đánh trong đó lực lượng Nhẩy Dù Hoa Kỳ đã chiếm giữ được một ngọn đồi hẻo lánh trong rừng từ sự chống trả ác liệt của quân Việt Cộng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là chính Phạm Văn Đính và Tiểu Đoàn Bộ Binh VNCH của ông ta mới là những người đầu tiên đã tiến lên tới đỉnh Ngọn Đồi Hamburger trong trận đánh then chốt đó.
Do vậy, ý tôi muốn nói là, ngay trong những vấn đề nhỏ về chiến thuật như trên, chỉ bằng cách viết về Quân Đội VNCH vào trong lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam, chúng ta sẽ thực sự hiểu được cách thức diễn tiến của cuộc chiến ra sao.
Một sự kiện đáng chú ý khác nữa là đa số sách vở tây phương viết về Chiến Tranh Việt Nam chỉ viết sơ sài vắn tắt về bất cứ những gì xẩy ra sau năm 1968. Lúc đó, sau năm 1968, mối quan tâm quyền lợi của người Mỹ trong cuộc chiến đã suy giảm, và phương sách tách rời khỏi Việt Nam đã bắt đầu.
Thật là một khuyết điểm trầm trọng trong việc tường thuật về lịch sử của chiến tranh Việt Nam, vì trong khi tấn bi kịch quốc gia của nước Mỹ lúc đó đang tiến đến hồi kết thúc, thì bi kịch quốc gia của Miền Nam Việt Nam đã chỉ mới bắt đầu.
Trong khi được huấn luyện và trang bị để sinh tồn là một phần quan trọng trong cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, thì Quân Đội VNCH bất thình lình thấy hầu như chỉ còn một mình lẻ loi trong những trận đánh quan trọng nhất của toàn thể cuộc chiến, nhưng lại không được thông báo trước.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào năm 1971 giữ vị trí khá quan trọng trong cuốn sách của tôi. Đó là một trận chiến chứng minh rằng Quân Đội VNCH đã có những sức mạnh kỳ diệu. Quân Đội VNCH đã chiến đấu can đảm trên các vùng đất của kẻ thù với các lực lượng đông hơn và mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên, đó cũng là một trận đánh đã chứng minh rằng Quân Đội VNCH vẫn cần sự ủng hộ của người Mỹ trong một thời gian nào đó, trước khi trở nên độc lập hoàn toàn.
Nhưng thay vì tạm ngưng để học hỏi từ các bài học của cuộc hành quân Lam Sơn 719 rồi tiếp tục, người Mỹ chỉ muốn rút lui ra khỏi chiến tranh Việt Nam cho nhanh.
Kế đến là Trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa (Tháng Tư, 1972), một cuộc công kích ồ ạt và bất thình lình của quân Cộng Sản Bắc Việt, đã chờ đợi để tấn công, sau khi tất cả các lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ đã thực sự rời khỏi Việt Nam.
Trong các giai đoạn đầu của trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa nầy, một vài đơn vị của Quân Đội VNCH đã tỏ ra yếu ớt không vững mạnh, đáng kể là đơn vị đầu hàng của Phạm văn Đính ở Trại Carroll.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của không lực Hoa Kỳ, Quân Đội VNCH đã trấn giữ vững chắc trong những trận tranh hùng ác liệt tại chỗ như Cổ Thành Quảng Trị và An Lộc - những trận quyết chiến can đảm như trong các bài anh hùng ca, hầu như đã bị bỏ quên trong nhiều sách lịch sử tây phương viết về Chiến Tranh Việt Nam.
Lịch sử của cuộc chiến nầy, một khi Quân Đội VNCH được lưu tâm chú ý, phải tạo lập nên một câu chuyện khác hẳn với những gì đã tìm thấy trong nhiều sách.
Quân Đội VNCH, mặc dù có khuyết điểm, đã chiến đấu dai dẳng và can trường, đã có thể thắng trận và xứng đáng với sự chiến thắng. Tuy nhiên, Quân Đội VNCH đã bị hiện hữu quá lâu như một thành phần phụ thuộc bổ túc do một định nghĩa sai lầm của người Mỹ về Chiến Tranh Việt Nam.
Bên trong cái cơ cấu của cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam, Quân Đội VNCH đã hoạt động hữu hiệu trong các trận đánh, nhưng lại bị bỏ quên quá thường xuyên bởi lịch sử, từ Trận Tết Mậu Thân đến Đồi Hamburger.
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh với quân Việt Cộng ở Hạ Lào và Mùa Hè Đỏ Lửa Tháng Tư, đã xác định rằng Quân Đội VNCH vẫn cần có thờì gian để xem lại cuộc chiến của mình và để trở nên tự lập -- điều mà Quân Đội VNCH xứng đáng được hưởng.
Nhưng, buồn thay, sự kiên nhẫn của nước Mỹ đối với Chiến Tranh Việt Nam đã suy giảm, và sự rút lui của người Mỹ ra khỏi cuộc chiến đã diễn ra quá nhanh và quá ồ ạt nên Quân Đội VNCH đã không thể tồn tại một cách độc lập kịp thời.
***
Đã đến lúc phải viết lịch sử của Quân Đội VNCH vào lịch sử của Chiến Tranh Việt Nam.
Chỉ bằng cách tìm hiểu Quân Đội VNCH, chúng ta mới có thể hiểu được lịch sử thật sự của chiến tranh Việt Nam, và có thể học hỏi được từ kinh nghiệm nầy.
Một điều tôi hy vọng nơi cuốn sách của tôi là nó phải chứng minh được rằng, Quân Đội VNCH đã quyết chiến lâu dài và quả cảm vì lý tưởng Tự Do, và Quân Đội VNCH xứng đáng có một sinh mệnh tốt đẹp hơn.
Một lần nữa, tôi xin được cám ơn quý vị đã cho tôi cơ hội nói chuyện hôm nay, và tôi xin kết thúc bằng cách cúi chào những cựu chiến binh của các Lực Lượng Quân Đội VNCH.
Quý vị, các bạn của tôi đây, là những anh hùng. Và tôi vinh dự được làm người thông tin tường thuật cho quý vị.
Gs TRẦN THỦY TIÊN dịch thuật sang Tiếng Việt
Bài Viết của Giáo Sư ANDREW WIEST
Đại Học Miền Nam Mississippi
Buổi Nói Chuyện vào ngày 26.4.2008,
Tại thành phố Grand Prairie, Texas
Cho Ngày Quốc Hận 30.4.2008
Do Hai CDNVQG Dallas & Fort Worth tổ chức.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment