Monday, April 28, 2008
Cau Chuyen Nguoi Linh Hai Quan
Nhân dịp tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư: Câu chuyện của cựu lính hải quân Võ Văn Ðình
Friday, April 25, 2008
Hoàng Mai Ðạt/Người Việt
Trong một phòng khách nhỏ, ấm cúng, chỗ này bày biện ngăn nắp, chỗ kia bề bộn với mấy tuyển tập văn chương, vài tập nhạc nằm trên mặt bàn, người đàn ông trung niên ngồi một mình trên sofa ôm ấp một cây đàn guitar ở trong lòng. Anh nhắm mắt, hát thì thầm vài lần một câu thơ trong lúc những ngón tay dạo đàn để tìm một điệp khúc ưng ý nhất cho một bài hát đang được sáng tác. Sau một hồi loay hoay với những nốt nhạc bay lơ lửng ở trong đầu, anh trở về với người khách từ phương xa đang ngồi ở gần đó, chia sẻ một buổi chiều trong một căn nhà khiêm tốn ở ngoại ô Philadelphia.
Anh Võ Văn Ðình không là một nhạc sĩ nổi tiếng, cũng không là một ca sĩ chuyên nghiệp mặc dù anh có một giọng hát trầm ấm, chân thành, một làn hơi mạnh như sóng vỗ vào vách đá ở Ðà Nẵng, quê hương của anh. Ca hát đến với anh như một niềm an ủi bất ngờ cho một đứa trẻ mồ côi trong cuộc chiến Việt Nam, và sau này là niềm hạnh phúc cho anh, một kẻ tha hương trong những năm tháng tị nạn ở xứ người.
Tôi gặp anh Ðình mấy năm trước ở Hatfield, một thị xã nằm về phía Bắc Philadelphia. Năm nay, 2008, nhân ngày tưởng niệm biến cố cộng sản chiếm miền Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975, tôi tìm một thường dân, hay đúng hơn là một người lính thường, rất thường, để nghe về quá khứ của vị thường dân ấy ở một khúc quanh lịch sử mà từ đó không biết bao nhiêu cuộc sống đã bị thổi cuốn theo cơn bão của thời đại.
Tôi không kiếm một vị tướng chỉ huy, một chính trị gia hoặc một học giả mặc dù biết chắc những vị đó sẽ có thêm đôi điều quan trọng, lớn lao để rọi sáng vào biến cố 30 Tháng Tư. Nếu cần nghiên cứu về cuộc chiến, tôi có thể đọc rất nhiều cuốn sách mà người ta đã viết. Từ một góc cạnh nhỏ bé, tôi chỉ muốn lượm xem quá khứ của một trong hàng vạn người từng bỏ nước tìm tự do, như muốn nắm bắt một bức ảnh đời thường trong hàng triệu tấm ảnh về cuộc chiến.
Tôi nghĩ đến anh Võ Văn Ðình, một anh bạn văn nghệ mà tôi từng gặp ở Pennsylvania, trong một căn phòng mà anh đã dạo đàn cho tôi nghe. Quá khứ của anh rất khiêm tốn, không hào hùng, cũng không chắc đóng góp gì thêm cho sự hiểu biết về cuộc chiến tương tàn kết thúc 33 năm trước. Thế nhưng đâu đó trong những mẩu chuyện về kinh nghiệm trải dài hơn bốn thập niên của anh, từ Việt Nam qua đến Mỹ, tôi cảm nhận hậu quả của chiến tranh còn âm ỉ cháy bên dưới lớp tro tàn của thời gian. Hơi nóng ấy không chỉ có ở trong anh, mà có lẽ còn trong rất nhiều người phải rời quê hương sau năm 1975. “Anh vốn không rành kể lại cuộc đời mình, nhưng cũng ráng trả lời những câu hỏi về một thời làm lính và một thời tị nạn kể từ ngày 30 Tháng Tư đen,” anh Ðình bắt đầu trong một cuộc phỏng vấn bằng thư email và bằng điện thoại từ ngày 20 đến 22 Tháng Tư vừa qua.
Anh từng là lính hải quân, mồ côi cha từ thuở bé, “thuộc loại con bà phước.” Cựu quân nhân 56 tuổi này nói chuyện khôi hài, thường văng tục trong tình thân giữa các anh em. “Anh chỉ mang lon binh nhì suông, mà em lại hỏi về đời lính thì chết nửa đời anh, còn tán gái tán ghiếc gì nữa! Ðời lính mà mang lon lá như anh thì cao lắm nếu không chầu ông bà sớm thì cũng cỡ thượng sĩ già tàng tàng cả đời chán chết!”.
Thời gian nhập ngũ
Anh Ðình gia nhập quân đội vào cuối năm 1969. Lúc đó cuộc chiến đang leo thang với Liên Bang Xô Viết và Trung Cộng tiếp tục cung cấp vũ khí cho cộng sản miền Bắc, trong khi phi cơ Hoa Kỳ thả bom xuống lãnh thổ Cam Bốt để ngăn chặn hoạt động của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, một lực lượng của cộng sản Hà Nội.
“Nhờ trời độ người lùn, anh được thâu nhận vào lính hải quân. Khi thụ huấn quân sự tại trung tâm quân trường Vạn Kiếp ở Bà Rịa, học chung với những đơn vị bộ binh bạn, có nhiều cha bộ binh đi ngang, nhìn anh rồi chép miệng, ‘Bộ tụi hải quân hết người sao thâu cái thằng lùn, nhỏ xíu như rứa’ làm anh tức ứa gan,” anh kể. “Nhưng sau này bà xã anh cũng hát rằng ‘Thấy anh nhỏ xíu, nhỏ xíu em thương’ thì cũng tốt thôi.”
Sau khi thụ huấn quân sự, anh Ðình được thuyên chuyển ra Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Cát Lở Vũng Tàu. “Anh được mang lon Thủy Thủ Nhất, tương đương với Binh Nhì bên bộ binh. Ngoài giờ thực tập trên mấy chiếc tàu LCM 8, loại chở hàng nhẹ, thì anh làm thơ tán gái. Vâng! Ít ra đời lính của anh cũng mang tâm hồn nhân bản của một chàng trai miền Nam hiền hòa bảo vệ sông núi, chứ không có cái kiểu ‘Phanh thây uống máu quân thù’ như mấy kẻ sắt máu hận thù bộ đội Bắc Việt, lúc nào cũng máu me ghê quá!”.
Hơn một năm sau anh Ðình được thuyên chuyển về Ðà Nẵng, quê của anh. Nhờ tự học đàn thời trung học, lại thích ca hát, anh lính trẻ tên Ðình được đổi qua một công tác mà anh thích hơn.
“Sau khi nghe chỉ huy trưởng thuyết trình là chương trình văn nghệ, anh nổi máu lên hát cho vui. Tuần sau Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Trần Phước Dũ gọi lên trình diện, nói, ‘Tôi đổi chú về tâm lý chiến, chú vào ban văn nghệ. Chú hát tạm được, nhưng nếu chú hát nhạc buồn làm cho lính đào ngũ là tôi đá chú!’” anh kể.
Ban nhạc tâm lý chiến của anh mang tên Thanh Nhựt. Anh kể về cái tên này, “Sau một lần trình diễn ngoài Huế lúc căn cứ Cửa Việt chưa mất, khi trở về một chiếc GMC chở người và chở đàn lao xuống hố, một thằng hy sinh. Từ đó ban nhạc lấy tên Thanh Nhựt để nhớ thằng bạn hy sinh cho tổ quốc.”
Tình hình đen tối
Ðến cuối năm 1974, cộng sản vi phạm hiệp định Ba Lê, bắt đầu một cuộc hành quân xâm lăng miền Nam. Như trong lần cộng sản vi phạm hiệp định ngưng bắn năm 1973, lần này Quốc Hội Hoa Kỳ cũng không chấp thuận viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa theo đề nghị của Tổng Thống Gerald Ford.
Tháng Ba năm 1975, lực lượng cộng sản chính qui miền Bắc bắt đầu mở những trận đánh lớn tại cao nguyên miền Trung, đưa xe tăng, đại bác tiến chiếm Ban Mê Thuột. Các thành phố khác như Pleiku và Kontum lần lượt rơi vào tay cộng sản. Các quân nhân cũng như thường dân rời bỏ miền cao nguyên, tìm đường thoát về miền duyên hải. Ban đầu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban lệnh rút lui, xong đổi ý, yêu cầu bảo vệ cố đô Huế. Ðến ngày cuối cùng của Tháng Ba, Huế bị chiếm.“ Những ngày cuối Tháng Ba 1975 ở Ðà Nẵng thì sự hỗn loạn vô tả, người thì trùng trùng lớp lớp ào ạt tiến về căn cứ hải quân, tìm cơ may để chạy,” anh Ðình hồi nhớ những biến cố hơn 30 năm trước. “Tại sao chạy? Chạy trốn cộng sản chứ còn ai. Tin đồn loan nhanh như phản lực. Tụi anh được phận sự đứng gác cổng. Biết bao nhiêu khuôn mặt hớt hơ hớt hải, chỉ xin được vào căn cứ hải quân. Có người còn cho anh tiền hoặc cho vàng! Trời ạ, nếu anh tham lam, nhận vàng, thì qua Mỹ anh đâu làm cu-li hơn ba mươi năm như vầy! Nghĩ lại thấy mình ngu thật. Lúc đó anh vừa đúng 23 tuổi.”
“Rồi cuối cùng anh cũng chạy một lèo xuôi Nam để đụng ngày 30 Tháng Tư. Trên con đường xuôi Nam, trời ơi, toàn nghe chuyện gì đâu không hà. Nào là sà lan tử thần, nào là cướp của giết người, loài người biến thành tàn bạo. Trên một con tàu ngoại quốc từ Cam Ranh về lại Vũng Tàu, anh nằm ngủ gần mấy xác chết mà thân nhân không nỡ vất xuống biển. Hết biết!”
Ngày 30 Tháng Tư
Vào ngày 21 Tháng Tư, 1975, Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức, tố cáo Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam, không giữ lời hứa trợ giúp miền Nam trước sự xâm lăng của cộng sản. Vài ngày sau ông Thiệu rời Việt Nam, bỏ rơi những đồng bào mà ông từng lãnh đạo với sự khôn ngoan nhiều hơn tài đức. Tại Hoa Thịnh Ðốn, Tổng Thống Ford tuyên bố kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Ở Sài Gòn, những chiếc trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đã bận rộn thực hiện công tác di tản những công dân của họ suốt ngày suốt đêm. Vào sáng sớm 30 Tháng Tư, các quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cuối cùng rút lui trên một chiếc trực thăng cất cánh từ nóc nhà của Tòa Ðại Sứ, để lại hàng trăm người đứng trong khuôn viên. Ða số những người này từng làm việc với chính phủ Hoa Kỳ. Họ bị bỏ mặc trong một thủ đô đang rơi vào hỗn loạn tột cùng với xe tăng của cộng sản đang tiến về trung tâm thành phố.
“Sáng ngày 30 Tháng Tư, hay không bằng hên, anh là loại con bà phước,” anh Ðình nói. Anh gặp lại một người bạn từng đi lính cùng ngày tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Họ rủ nhau lên một chiếc tàu đã rời bến vào ban đêm nhưng quay trở lại vì hạm trưởng đổi ý, không muốn rời quê hương.
“Sau khi tàu đi không biết bao lâu thì đến cửa Cần Giờ. Sau này nghe nói tất cả tàu hàng dân sự ra cửa Rừng Sát đều bị mấy anh bộ đội xơi ngốn bằng trọng pháo, trong đó có cái chết của nhà báo nổi tiếng Chu Tử,” anh kể. “Trên tàu anh có một số dân sự, không biết sao có mặt cả đàn bà, trẻ em. Khi tất cả những chiến hạm tập trung tại một khu vực ngoài hải phận quốc tế để chuẩn bị chuyến hải hành cuối cùng dưới sự điều động của Tướng Chung Tấn Cang thì chúng anh bỏ tàu nhỏ qua tàu lớn. Tất cả tàu nhỏ bị hải quân Mỹ nhận chìm.”
“Trực chỉ Phi Luật Tân. Khi đoàn tàu gần tới Subic Bay, tất cả lon lá của mọi binh chủng phải tháo bỏ vứt đi, và chuẩn bị cho một chuyến đi khác. Mọi người đều khóc từ quan tới lính. Chắc chắn trong lòng mọi quân nhân hải quân từ tướng đến binh nhì đều xúc động mãnh liệt, bồi hồi nhìn lại một quãng đời mình đã sống, đã yêu, đã thương, bây giờ phải vĩnh biệt một hạm đội thuộc loại lẫy lừng.”
“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này,” anh Ðình tự an ủi với lời của nhà văn Ðức Hermann Hessee, tác giả của nhiều tập tiểu thuyết kể cả cuốn “Câu Chuyện Dòng Sông.”
Những ngày đầu ở Philadelphia
Từ đảo Guam, anh Võ Văn Ðình và hàng chục ngàn người tị nạn được đưa đến trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania. Ðây là một trong ba trại lính được sử dụng để đón nhận trên 100,000 người Việt tị nạn cộng sản. Hai trại khác là Fort Chaffee, Arkansas và Camp Pendleton, California.Sau mấy tháng sống trong trại, anh và những thanh niên độc thân được các nhà thờ bảo trợ để bắt đầu một cuộc sống mới trong vùng Philadelphia. Năm 1976, Hoa Kỳ mừng sinh nhật lần thứ 200. Philadelphia được toàn quốc chú ý vì thành phố này là nơi mà người Mỹ đã ký bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 4 Tháng Bảy, 1776. Chuông Tự Do được triển lãm tại Philadelphia, gợi nhớ “một cố hương đang nằm dưới những cuộc trả thù khôn ngoan dù không tắm máu của những kẻ tự xưng vô sản ở bên kia nửa vòng trái đất,” anh Ðình nói về quê hương từ ngày bị cộng sản xâm chiếm.
Không như những đợt di dân Việt Nam đến nước Mỹ sau này, hầu hết trong đám người tị nạn đầu tiên không có sự trợ giúp của các đồng hương đi trước. Nay nhìn lại những kinh nghiệm đầu tiên ở xứ người, hầu như ai cũng có dăm ba câu chuyện cười ra nước mắt. “Những ngày tụi anh mới ra Phila, có nhiều thứ chuyện để kể về ngày đầu tị nạn của những kẻ lưu vong khờ khạo nhưng rất dễ thương,” anh Ðình tâm sự với giọng hài hước.
“Ngày kia, ông mục sư dẫn bốn, năm chú cựu lính như anh đi xin việc. Khi dẫn cả đám vào một cơ sở tư nhân, ông mục sư nói với một chú có tiếng Anh khá nhất trong đám, để chú thông dịch lại cho anh em hiểu.‘ Ðây là nhà vệ sinh, các anh có cần thì vào. Sau đó ra gặp tôi để tôi dẫn lên gặp ông chủ.’
“Chú thông dịch liền dẫn anh em vào phòng vệ sinh, phán một câu chắc nịch: ‘Ổng nói tụi mình lau chùi cái phòng này!’
‘Thiệt không mày,’ một chú có nghi vấn.
‘Sao không thiệt, tao biết tiếng Anh mà!’
‘Có đồ gì đâu mà làm!, ’ một chú khác thắc mắc. ‘Thì ...! Tìm được cái gì làm cái ấy, hỏi cái quái gì mà hỏi hoài vậy!’.
“Cả bọn im re, tìm đủ mọi thứ làm sạch cái cầu tiêu.
“Ông mục sư không biết mấy chú này làm gì trong phòng vệ sinh mà lâu quá. Nhưng người Mỹ thì người ta kiên nhẫn để chờ. Khi chú thông dịch đi ra thì ông mục sư hỏi:
‘Các anh làm gì trong đó mà lâu quá vậy?’
“Chú thông dịch bèn đưa tay ra hiệu lau chùi. Ông mục sư biết ngay các chú không hiểu gì cả, liền vào để lôi cả đám ra ngoài. Thật ra công việc ông xin cho mấy chú là công việc khác. Ðơn giản chỉ có vậy thôi mà cũng đổ mồ hôi.”
Anh Ðình nhắc đến chuyện cười như dùng một liều thuốc để tránh nhớ đến những năm tháng buồn tủi hơn rất nhiều, sự buồn tủi của lớp người tị nạn mang tâm trạng mất nước, phải bám vào một xã hội xa lạ để vừa sống còn mà cũng vừa tiếc nuối quê xưa.
Trong một bài thơ anh Ðình từng sáng tác mang tựa đề “Thơ Trong Hãng Tiện,” có những dòng như sau:
Trong hãng tiện bàn tay chai cứng
Cắm cúi thầm lòng nhớ biển sông
Ngày xa nước gởi hương theo gió
Ðường mây trôi vạn nẻo tang bồng
Trong hãng tiện hôi mùi dầu mỡ
Mà trong lòng thơ vẫn về thơ
Vẫn thấy bóng mùa xa qua vội
Chờ người đi, về dựng ngọn cờ
Trong hãng tiện rưng rưng nỗi nhớ
Thơ lấm lem dầu nhớt nhạt nhòa
Mà hồn quê ở vạn trời xa
Ngang đầu ngỏ hàng tre nắng xế
Trong hãng tiện thơ về vội vã
Ðổ mồ hôi người vẫn yêu đời
Vẫn yêu hoài dù rách tả tơi
Niềm viễn mộng chờ ngày mai tới.
Thơ và nhạc đã giúp anh tìm được nơi chốn nương tựa. Nay anh sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình, ngày thường đi làm, cuối tuần chở vợ đi chợ, thỉnh thoảng điều khiển ca đoàn trong nhà thờ, ca hát giúp vui trong những dịp hội hè của chùa. Trong những lúc vui bên chồng, chị Trần Thị Bạch Tuyết vẫn nói một câu mà anh Ðình thích nghe nhất, “Thấy anh nhỏ xíu, nhỏ xíu em thương, nên em mang anh về nuôi.” Họ có hai cô con gái đã trưởng thành, Michelle và Jackie.
Sau những mẩu chuyện về cuộc đời trải dài từ bên kia đến bên này Thái Bình Dương, anh Ðình tâm sự, “Thật ra chúng anh chỉ là lũ lính binh nhì, những con tốt nhỏ nhất trong bàn cờ tướng khi đã qua sông, không có gì để khoe khoang.”
Khi được hỏi nghĩ gì về ngày tưởng niệm 30 Tháng Tư năm nay, anh chỉ tự khuyên mình, “Hãy tha thứ để được tha thứ. Chiến tranh nào cũng đưa con người đến hủy diệt tang thương.”
Với lời khuyên đó, tôi hình dung được anh Võ Văn Ðình đang ngồi ôm đàn trong một phòng khách nhỏ, ấm cúng, chỗ ngăn nắp, chỗ bề bộn. Sau 33 năm sống qua những buồn vui của đời thường, trôi theo định mệnh của cố quốc, có lẽ anh không còn những nốt nhạc bay lơ lửng trong tâm trí. Những nốt nhạc nay đã lắng xuống, nằm hài hòa trên khung nhạc của lòng tha thứ, một điệp khúc xuất phát từ tình thương. (h.d.)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment